Trung Hiếu Nghĩa Hiệp
“ Video 7“
Võ Công là cha đẻ của nàng Võ Thể Loan là một người nham
hiểm tham lam danh vọng, lắm mưu hèn kế bẩn sau này càng lộ rõ. Ban đầu cha con
nhà họ Lục không hiểu rõ bản chất của con người này cứ tưởng vợ chồng ông ta là
người tốt. Nàng Võ Thể Loan không khỏi bị khống chế o bế mà phải nghe theo mưu
kế của cha mẹ bày đặt. Võ Công chờ đơi Vương Tử Trực cốt để hai chàng lên võ
đài văn chương so găng đọ tài cao thấp. Kỳ thủ tương phùng là ngang sức ngang
tài, kẻ tám lạng người nửa cân.
“Vương Tử Trực cũng vừa mới tới
Lão quản gia hồ hởi báo ngay
Võ công mở một cuộc say
Tương phùng kỳ thủ chuyên tay đua nghề
Hai sĩ tử ngồi kề tỉ thí
Ngọc châu phun tri bỉ mấy khi
Bạch Hàm cũng chẳng kém chi
Như Hoành lai láng tức thì đổi trao“
Bạch Hàm tức là Bạch
Khởi có tài văn chương là tướng lĩnh quân sự thời xuân thu chiến quốc của Tàu.
Bạch Khởi được xem là một trong 4 nhà cầm quân tài ba nhất thời Chiến Quốc, 3
người còn lại là Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục. Khởi chỉ huy quân đội Tần hơn
30 năm, nhiều lần đánh bại Tam Tấn (tức 3 nước Hàn, Triệu, Nguỵ lân bang Tần)
và Sở. Những thắng lợi quân sự của Bạch
Khởi đã đặt nền tảng cho việc thống nhất Trung nguyên.
Bạch Khởi xông pha chiến trận mạc suốt 37 năm, hầu như
đánh đâu thắng đó, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, chém đầu gần 100 vạn quân
địch (thực tế phải hơn con số này chưa tính cả dân thường bị liên lụy, có thuyết
cho rằng Bạch Khởi đã giết hơn 200 vạn người), hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn
trăm dặm đất đai cho nước Tần, làm suy yếu hoàn toàn Tam Tấn và khiến nước Sở từ
chỗ ngang hàng với Tần bị đặt vào thế yếu hơn, luôn phải ở tư thế phòng ngự.
Chiến công của Bạch Khởi đã tiêu hao lực lượng chiến đấu của các nước mạnh nhất
thời đó như Triệu và Sở, đưa nước Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc, khởi
đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu của nước Tần, đi đến chỉ gom lại
thành nước Tàu duy nhất.
Bạch Khởi được các sử gia đánh giá là một trong những tướng
lĩnh xuất sắc nhất trong lịch sử của Tàu, luôn đứng đầu trong hàng ngũ các đại
danh tướng. Trong khi các tướng lĩnh thời đó luôn khi ra trận luôn đặt nặng
binh pháp, điển hình như Triệu Quát, Bạch Khởi lại dùng binh không theo sách.
Điển hình như trong trận Trường Bình, quân Tần do ông chỉ huy tuy ít hơn nhưng
lại vây ngặt nghèo quân Triệu đông hơn, thậm chí vây không để hở. Những điều
trên đều đi ngược lại với những gì Tôn Vũ viết trong binh pháp, thế nhưng Bạch
Khởi đã cầm quân thì đã đánh là thắng, không gì ngăn nổi.
.
Như Hoàng tức là Điền Hoành tài ba không kém gì Bạch Khởi
là vua chư hầu thời Hán Sở trong lịch sử Tàu. Ông tham gia khởi nghĩa chống sự
cai trị của nhà Tần và phục hồi nước Tề như cục diện thời Chiến Quốc. Tài ba lỗi
lạc như vậy nhưng Điền Hoành lại liên thủ vơi Bành Việt theo Hán vương Lưu Bang
tiêu diệt Hạng Vũ ở Cai Hạ. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, phong cho Bành Việt làm
Lương Vương. Điền Hoành thấy tình hình không còn thuận lợi, bèn mang 500 tráng
sĩ thuộc hạ quay trở lại phía đông, trốn ra ngoài hòn đảo ngoài biển nước Tề.
Hán Cao Đế lo Tề vương Hoành có uy tín với người nước Tề,
sẽ làm loạn, bèn sai sứ ra đảo tuyên bố xá tội cho Điền Hoành và triệu ông về
kinh nhận chức. Ông từ chối nói với sứ giả:
Tôi đã từng luộc chết
sứ giả của vua Hán là Lịch Tự Cơ, nay nghe nói em trai ông ấy là Lịch Thương
đang làm tướng nhà Hán. Tôi không muốn về kinh làm quan, chỉ mong làm người dân
thường trên đảo mà thôi.
Lưu Bang nghe sứ giả thuật lại, bèn xuống chiếu nói với Lịch
Thương:
“Tề vương Điền Hoành sắp về kinh, ai dám động đến ông ta,
kẻ đó sẽ bị chém cả nhà”
Sau đó Lưu Bang lại sai sứ mang phù tiết đi, báo lại với
Điền Hoành biết việc đó và nói với ông:
-“ Nếu Điền Hoành về kinh sẽ được phong làm vương, ít nhất
cũng phong cho làm hầu. Nếu không về, hoàng đế sẽ điều quân đến đánh”
Điền Hoành bèn để các thủ hạ ở lại đảo, chỉ dắt 2 tráng sĩ
đi theo, lên cỗ xe của dịch trạm về kinh thành Lạc Dương. Đi mấy ngày đường, tới
Thi Hương cách Lạc Dương 30 dặm, ông nói với sứ giả:
-“Làm bầy tôi, muốn gặp hoàng thượng, phải trai giới tắm gội
sạch sẽ đã”
Mọi người bèn dừng lại nghỉ ở Thi Hương. Điền Hoành nói với
2 môn khách:
- “Điền Hoành này với Hán vương ngày trước đều là người
xưng thủ lĩnh ở phương nam, ngày nay Hán vương đã là thiên tử, còn tôi trở
thành kẻ vong quốc, xưng làm bầy tôi phụng sự ông ta, đó vốn là điều cực kỳ nhục
nhã. Huống hồ tôi lại từng giết chết Lịch Tự Cơ mà bây giờ lại cùng em trai hắn
phụng sự Hán vương. Dù Lịch Thương có sợ oai vua mà không dám hỏi tôi, thì
trong lòng tôi lại không áy náy sao? Với lại hoàng đế bảo tôi về kinh, chỉ là
muốn nhìn mặt xem tôi ra sao thôi. Ở đây chỉ cách Lạc Dương 30 dặm, sau khi tôi
chết, các vị nhanh chóng mang thủ cấp của tôi về Lạc Dương, mặt mũi tôi chắc
còn chưa thay đổi”
Điền Hoành nói xong bèn tự đâm cổ chết. Thật là một dũng
tướng chẳng may đã hết thời. Võ Công đã xem hai chàng Lục và Vương như Bạch Khởi
và Điền Hoành vậy. Một trong hai người Võ Công nghĩ bụng ắt có kẻ làm con rể
ông ta, sánh duyên cùng Võ Thể Loan.
“Đôi nhành quế dạt dào thi tứ
So bảng vàng đã đủ nêu danh
Khí thơ lương đống song hành
Khen thay hai họ tung hoành nay mai
Trực ca ngợi văn tài huynh trưởng
Tiên nhún nhường tưởng thưởng một chung
Quản chi sóng gió chập chùng
Én kia hồng hộc bão bùng biển khơi
Sự tình cờ hai nơi hội ngộ
Chung Tử Kỳ gặp gỡ Bá Nha
Đệ huynh giao hảo một nhà
Chung lưng đấu cật sơn hà trung trinh“
Tương truyền Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở.
Trên đường trở về đến sông Hán, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, ông lệnh
cho quân lính dừng thuyền uống rượu thưởng nguyệt. Cao hứng mang đàn ra gảy
nhưng bản đàn chưa dứt đã bị đứt dây. Nào ngờ nơi núi cao sông dài này dường
như có người biết nghe đàn, lại cũng ngờ thích khách? Bá Nha truyền quân lên bờ
đi tìm thì vừa hay có tiếng chàng trai nói vọng xuống, rằng mình là một tiều
phu, thấy khúc đàn hay quá nên dừng chân nghe. Bá Nha có ý nghi hoặc sao một người
đốn củi lại biết nghe đàn, nhưng khi chàng trai đối đáp trôi chảy, thậm chí biết
rõ bản đàn Bá Nha vừa gảy thì ông không còn mảy may ngờ vực nữa, bèn mời xuống
thuyền đàm đạo. Trên thuyền, Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, người tiều
phu rung cảm sâu sắc, cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực.
Chàng trai trẻ đó chính là Chung Tử Kỳ, một danh sĩ ẩn dật,
đốn củi bến sông để được sớm tối phụng dưỡng mẹ cha già yếu. Được người tri âm,
thấu cảm ngón đàn cũng là tấm chân tình của mình. Bá Nha có ý mời Tử Kỳ rời non
cao rừng thẳm về kinh cùng mình để sớm hôm đàm đạo và vui hưởng vinh hoa phú
quý. Nhưng Tử Kỳ thoái thác vì việc phụng hiếu. Quan sự không thể chần chừ, nên
Bá Nha đành phải xuôi thuyền về kinh, không quên hẹn Tử Kỳ tại chốn này một
ngày nọ ông sẽ trở lại đón cả gia quyến Tử Kỳ về với mình.
Mùa thu năm sau Bá Nha trở lại bến sông xưa, nhưng không
còn gặp được Tử Kỳ vì Tử Kỳ đã mất trong một cơn bạo bệnh. Tương truyền, trước
khi chết Tử Kỳ còn trăng trối phải chôn chàng nơi bến sông Hán Dương, cạnh núi
Mã Yên, để giữ lời hẹn với Bá Nha. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, sầu
thảm khóc gảy một bản nhạc ai điếu. Đàn xong, ông đập đàn vào đá, thề trọn đời
không đàn nữa vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm.
Tình bạn tri âm Bá Nha, Tử Kỳ còn được người đời sau nhắc
lại, ngợi ca trong nhiều tác phẩm văn học. Điển cố tri âm, nước non, hay lưu thủy
cao sơn. Trong văn học Việt Nam, tác phẩm
Đoạn trường tân thanh của thi hào Nguyễn Du, khi Kim Trọng yêu cầu Thúy Kiều gảy
đàn cho nghe, có những câu nhắc đến điển tích này:
“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”
Hay trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu:
-“Than rằng lưu thủy cao san
Ngày nào nghe đặng
tiếng đàn tri âm”
Sau khi hai sĩ tử gặp nhau chén thù chén tạc tỏ ra rất tâm
đầu ý hợp. Vương Tử Trực nhận Lục Vân Tiên là đại ca cả về tuổi tác lẫn văn tài
võ lược.
“Đệ cáo lui thượng trình gặp lai
Ngày ứng thi quan tái đường xa
Vân Tiên nghỉ lại trong nhà
Thầm thì nhạc mẫu mặn mà Thể Loan
Nhạc phụ khéo chu toàn tất cả
Sáng ngày mai ẻo lả lê đình
Gọi là bày tỏ chút tình
Phòng khi ngộ biến bất bình sảy ra
Nghe xao xác tiếng gà gáy sáng
Ánh bình minh ló rạng đằng đông
Vân Tiên vào tạ Võ công
Thể Loan đã đứng đợi chồng tương lai
Hai đôi trẻ sánh vai cùng bước
Con đường làng thược dược trổ bông
Ngập ngừng quân tử phó công
Quan san muôn dặm chất chồng nhớ mong“
Sau khi Vương Tử Trực cáo lui, đêm hôm đó Lục Vân Tiên nghỉ
tại nhà Võ Công. Vợ Võ Công vào buồng con gái thầm thì căn dặn ngày mai đưa tiễn
công tử đi thi, nên nói những câu nào cho thật hay và tình cảm. Quân tử phó
công nghĩa là ra đi làm việc trọng đại, thiếp không thể níu kéo rùng rằng bịn rịn
làm lỡ độ đường ảnh hưởng đến đại sự của chàng và căn dặn đừng có mải mê vui
chơi trăng gió ở nơi đô thị sầm uất lắm gái đẹp ả đào mà quên người vợ tương
lai ở nhà đang mỏi mắt chờ đơi ngày vinh quy bái tổ.
“Đaọ tòng phu một lòng chờ đợi
Phận ngây thơ chới với nắng mưa
Xin chàng chớ có say xưa
Phồn hoa đô thị lưa thưa giọt hồng
Nay thánh chúa núi sông dân chúng
Cây ngô đồng chim phụng cành cao
Xót thương khuê các má đào
Tào khương tham đó lẽ nào bỏ đăng“
Chim phụng cành cao là linh phụng khôn thiêng. Chim phụng
còn gọi là phượng hoàng. Ngô đồng là một loại cây cao tán rộng lá to, chim phượng
thường đậu cây này. Phượng hoàng đậu cây ngô đồng, tượng trưng người tài giỏi ở
một địa vị xứng đáng. Ðây Thể Loan mong Lục Vân Tiên lập được công danh xứng được
với tài sắc của mình.
Tào khương là bã rượi
thức ăn kém chất lượng cho người nghèo thư. Tống Hoằng đời Ðông Hán, làm
chức Ðại Tư Không, là người có uy đức trong đám quần thần, vua Quang Vũ muốn
ông bỏ vợ để lấy chị gái mình là Hồi Dương công chúa, ông trả lời rằng:
-"Tào khang chi thê, bất khả hạ dường"
Ý là người vợ đã cùng ăn ở kham khổ với mình, không thể ruồng
rẫy được. Người đời sau truyền tụng và gọi
vợ chồng tào khang.
Ðó, đăng là hai dụng cụ là bằng tre nứa có nơi còn gọi là
cái hom, cái rọ, cái lờ để bắt cá.
Ý nói đừng tham ăn phở mà quên cơm nhà. Chưa cưới nhau mới chỉ hứa hôn thôi mà
Võ Thể Loan muốn đe nẹt Lục Vân Tiên phải chung thủy với mình chơ đừng như con
mèo hoang thèm mỡ lạ.
“Đừng ngây ngất gió trăng đài các
Quên ánh đèn ngơ ngác hoài vương
Vợ hiền in bóng trên tường
Chớ như Ngô Khởi đoái thương Mãi Thần“
Ngô Khởi: người nước Vệ, giỏi binh pháp, khi nước Tề đánh
nước Lỗ. Vua Lỗ muốn dùng Khởi là tướng quân chống Tề, nhưng có ý nghi ngại, vì
Tề là nước quê của vợ Khởi. Ngô Khởi biết được, bèn giết chết vợ để tỏ mình
không còn dính dáng đến nước Tề. Thời ấy người ta bảo rằng: Khởi giết vợ để cầu
làm tướng (sát thê cầu tướng) thật là con người phụ bạc tàn ác .
Còn Mãi Thần họ Chu, là người đời Hán, nhà nghèo mà ham học,
vừa đi kiếm củi vừa đọc sách nghêu ngao ở dọc đường, vợ lấy làm xấu hổ, và cũng
không kham nổi cảnh nghèo khổ của Mãi Thần, bỏ đi lấy người khác, sau Mãi Thần
hiển đạt vợ lại xin về. Mãi Thần lấy bát
nước đổ xuống đất, bảo vợ hốt đầy lại được thì sẽ xum họp, vợ hổ thẹn thắt cổ
chết.
Hai người tỉ tê
mang cả chuyện xưa tích cũ để nhắc nhở nhau. Lục Vân Tiên là trang tu mi
nam tử không có gì đáng phải lo ngại về lòng chung thủy. Võ Thể Loan được mẹ mớm
lời cho chắc ăn ngày Lục Vân Tiên thi đậu, để võng lọng cờ biển trở về vinh quy
bái tổ. Nếu Lục Vân Tiên chả may thi trượt thì sẽ ra sao? Học tài thi phận mà,
xưa nay người ta vẫn thường nói.
“Lục Vân Tiên xuất thân nho giáo
Sách thánh hiền gia đạo phỉ phong
Nhất ngôn cửu đỉnh một lòng
Lửa hồng nhen nhóm dấu trong tim chàng“
26.12.2019 Lu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét