Truyện kể của Lu Hà phần 3
Tôi rất thích bơi lội, có lẽ tôi sinh vào năm Nhâm Thìn gọi
là rồng, giống rồng ưa nước. Nên bất kể sông ngòi hồ ao đầm truông tôi đều thích
cả, tôi thích lặn dưới đáy sâu tuy không bằng Yết Kiêu Dã Tượng, gia tướng của
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng mùa nước cạn tôi và thằng Quỳnh có thể bơi
vượt qua sông Thao sang bờ bên kia bới trộm khoai, bẻ mía, ngô bắp của người
ta, rồi ị một đống mới bơi về. Tôi nhớ năm đó tôi khoảng 12 hay 13 tuổi, tôi
bơi lội có thể nói vào loại giỏi sức lực dẻo dai.
Tôi biết bơi từ lúc nào không biết; Khoảng 7 hay 8 tuổi
tôi có thể bơi đứng, bơi ngửa bơi bướm bơi vắt sải đủ kiểu. Có lần giữa trưa nắng chang
chang, ông tôi phải ra tận bờ sông gọi tôi về. Ông bảo: Được tiếng khen ho hen
chẳng còn.
Đúng là hồi nhỏ tôi bị bệnh hen xuyễn, ngày ở xóm 2 khi tôi
mới 1 hay 2 tuổi thím tôi bế tôi về giao cho ông bà, hai mắt tôi trợn ngược lên
dễ sợ. Nhưng lớn dần lên tôi là một đứa trẻ hiếu động, chạy nhảy bơi lội nhiều,
nên bệnh hen xuyễn cũng không thấy nữa. Lúc 3 tuổi sáng ngủ dậy tôi gọi bà ơi!
Cháu vừa o lại vừa en. Bà tôi nghe mãi cũng không hiểu, thì may quá có ông cụ ở
làng bên sang chơi mới nghe ra, phiên dịch lại cho bà tôi: khổ lắm cháu cụ bảo,
nó vừa ho lại vừa hen. Bà tôi bật phì cười.
Mùa nước lũ dòng sông Thao, cuồn cuộn sủi bọt nước đỏ ngầu
tôi cũng bơi. Bà tôi cầm cái roi tre cứ đứng trên bờ mà gào: Ba hồn bảy vía mày
đi đâu thì hãy mau mau về với bà. Mọi người khuyên bà tôi: Thôi cụ cứ về đi, cụ
mà còn đứng đây, nó sợ cụ đánh, nó còn bơi, nó đuối sức ra là cụ mất cháu. Cụ đi
thì tự khắc nó bơi vào.
Khi chắc chắn bà đã về nhà rồi, thì tôi mới vội vã bơi lên
bờ, người thì đen thui chỉ mặc cái quần cộc, lưng để trần vừa đi vừa nghêu ngao
hát thì bỗng nhiên bà tôi nấp sau một bụi chuối lao ra vụt roi tre tới tấp lên
lưng, tôi vội co giò chạy biến.
Vào năm khoảng năm 1965 và 1968 ông tôi có xem thiên văn,
nhìn sao trên trời biết trước sẽ có ngập lụt lớn nên ông có mua về một cái thuyền
nan tre khá lớn, ông mua sơn, chùm khăn bịt kín rồi sơn phết lại mé trong của
chiếc thuyền. Quả mùa nước lũ tới thật, nước ngập tới ngõ nhà tôi. Có người chú
gọi ông tôi là bác rể, vì bố chú là em trai bà tôi. Cái thuyền để không chưa
dùng đến cho chú mượn đi vớt củi và xin cho tôi đi theo, số củi kiếm được sẽ
chia đôi. Thế là chiếc thuyền hạ thủy, tôi ngồi mũi thuyền cầm mái chèo con,
chú đứng cuối thuyền cầm lái chính. Năm đó tôi khoảng 15 tuổi đã là một chàng
trai cường tráng. Tôi rất thú vị sáng tinh mơ hai chú cháu chèo thuyền ngược
lên qua các khu vườn bỏ trống, có nhà nước đã tới mái, tha hồ mà lượm hái hoa
quả, không ăn cũng phí của trời, nước lũ sẽ cuốn phăng đi mất thôi. Rồi thuyền
lao ra giữa dòng, tôi rất ngạc nhiên mặt nước mênh mông không nhìn thấy bờ, nước
sông lại chảy lờ đờ, từng cây gỗ cành củi, có khi cả hòm xiểng vật dụng, lợn gà
trôi xuôi. May quá tôi không thấy có người chết trôi. Vớt một hồi lâu là đầy
thuyền củi. Cái cảm giác lâng lâng ngồi thuyền trên mặt nước mênh mông lờ đờ chảy,
tôi rất thú vị. Bây giờ trong lúc ngồi tọa thiền tôi vẫn thường nghĩ tới.
Tôi rất hãnh diện đã có một lần chính tôi và chu Ch đã
chèo thuyền đưa mẹ tôi sang sông để đáp tàu về Hà Nội. Có cái thuyền quả thật
là lợi hại, tôi đã học chèo thuyền để đưa bà tôi và các em tôi sơ tán, tá túc tại
nhà cụ đồ Cóc ở tận làng Bơ, một vùng đồi cọ cao. Còn tôi, ông và cô thím ở lại
giữ nhà. Ông tôi dùng ván bắc ngang lên sà nhà để làm chỗ ngủ. Nước sông dâng
lên cao, ngồi trên ván có thể thả chân xuống là chạm tới mặt nước. Bỗng nhiên nửa
đêm tôi nghe tiếng cô tôi và thím tôi la thất thanh, ông ơi, Hà ơi dậy đi vỡ đê
rồi. Con đê vỡ có sức công phá cực mạnh cuốn phăng đi cả bức tường gỗ nhà tôi,
khoét xuống thành một cái hố như hố bom, sau này phải gánh không biết bao nhiêu
đất đổ lại mới đầy. Rút kinh nghiệm ông
tôi xây sân gạch, dùng xi măng tráng nền nhà, ốp lát vỉa hè cho thật kiên cố.
Sau khi đê vỡ nước tràn ngập cánh đồng lan tới tận các làng có đồi dốc cao, cả vùng
miền núi. Độ vài ngày thì nước lại rút xuống, cả huyện tôi bị tàn phá nặng, hoa
màu mất hết, dân tình trở nên đói kém. Một thời gian rất dài mới dần dần tạm ổn
định. Tôi lại tiếp tục bon bon cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô về trường cấp 3
Đông Phú.
10.6.2019
Lu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét