Truyện kể của Lu Hà phần 3
Người Việt mình không biết từ khi nào vốn háo danh, thích được
bằng khen huân huy chương, nhất thân nhì quen. Lấy vợ lấy chồng thì thích phải
là con nhà gia thế cách mạng có bố mẹ làm to, ông nọ bà kia để nhờ vả. Tôi thấy
khi còn học nghề hóa chất dẻo ở Đức có mấy thằng con trai cưa cẩm được mấy đứa con
gái con các ông bí thư quận huyện, tùy viên quân sự đại sứ quán v.v... thì mặt
vênh váo lên kiêu ngạo lắm, mặc dù mấy cô đó theo tôi chỉ vào dạng xinh xắn hơn
thị Nở một tý. Ở Việt Nam thì khoe khoang có bạn thân mà bố mẹ nó là ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương
đảng, bộ trưởng thứ trưởng công an, cục nọ phòng kia. Mặt mũi rạng rỡ tỏ vẻ phấn
khởi lắm là mình cũng có tí hơi thần thế. Thấy ai thực sự giỏi giang hơn mình
thì mặt mày lúc nào cũng hầm hầm, chỉ thích triệt hại nhau. A dua và nịnh bợ là
một căn bệnh xã hội trầm kha, không thể nào chữa lành được. Tôi thấy Tuyết Mai
thực sự là một cô gái có học vấn và rất giỏi giang đối nhân xử thế quyền biến
như thần và tôi mến cô coi như tri kỷ hồng nhan. Chứ không phải cô ấy thuộc diện
3 C, con cháu các cụ cả.
Còn yêu Tuyết Mai và cưới cô ta làm vợ thì thực lòng tôi
không muốn. Nhưng số mệnh xếp đặt tạo hóa có chương trình riêng thì làm sao mà
cưỡng lại nổi. Ở nhà cô chú Ty chúng tôi lân la hỏi thăm các trai tráng chuyên
đi biển. Chúng nó bảo: Khi thuyền ra đến hải phận quốc tế, tàu các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật vân vân ngược xuôi như mắc cửi. Thỉnh thoảng
họ còn hào phóng ném thuốc lá và đồ ăn sang thuyền đánh cá. Tôi nghe chuyện há
hốc mồm thèm thuồng lắm ước mơ về một thế giới văn minh, chân trời tự do xa xăm.
Chừng một tuần chúng tôi xin phép bà cô chú và các em trở về nhà. Về đến Thành
Công thì Tuyết Mai hẹn ngày kia lại đi Lạng Sơn chơi, rồi Tuyên Quang thăm họ
hàng. Bố mẹ tôi không thích tôi cứ bỏ đi lang thang như vậy, không biết sống chết
ra sao, bặt vô âm tín. Mẹ tôi bảo con bé ấy nó ghê gớm lắm nó khống chế mày. Bố
tôi còn bảo nó là con Đắc Kỷ đời Trụ. Tóm lại bố mẹ tôi không thích tôi quan hệ
với Tuyết Mai, nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai. Tôi tranh thủ đến thăm Hoàn, em hỏi
tôi: Anh đi đâu thế? Tôi bảo về quê có
chút việc.
Chúng tôi lại bon bon xe đi lạng sơn, Tuyết Mai ra chợ mua
30 kg gạo buộc lên xe máy của tôi, dồn sang hai bên rồi ngồi lên trên cái tải. Đến
Lạng Sơn cô ta bán số gạo đó đi, còn thăm một người bạn gái làm ở Ngân Hàng và
nhờ đổi đô la ra tiền đồng. Không biết cô đổi đô la cho ai tôi cũng không hỏi,
mà có hỏi cô ta cũng không nói. Cứ gặng thì cô ta bảo nếu anh không muốn nghe một
lời nói dối? Sau đó chúng tôi đi Tuyên Quang thăm nhà ông Thất, tôi nhớ hình
như là xã Phú Lâm Huyện Yên Sơn. Ông Thất là em trai ông ngoại của Tuyết Mai,
ông bà quý hai cháu nên mổ một con gà giò thổi cơm cho ăn. Tôi tỏ lời cám ơn
ông cho ăn thịt gà, thì ông cười bảo gà đâu mà gà, thịt chim đấy. Rồi đi thăm
khắp lượt họ hàng các cô chú dì rất quý cháu gái, đã lâu không về chơi. Chuyến
này lại có cả bạn trai đi theo, trông rất bệ vệ khôi ngô tuấn tú. Đến nhà ai
cũng mời ăn cơm, Tuyết Mai đặc biệt chú ý đến bàn thờ ngắm nghía bát hương thờ,
lọ lẽo, hỏi thăm về mấy cái đĩa cũ. Không hiểu Tuyết Mai học nghành khảo cổ từ
khi nào nhưng cô tỏ ra sành sỏi đánh giá các niên đại khi nhìn dưới đáy có thể
biết cái đĩa cái bát cái lọ này từ thời Đinh, Lý, Trần hay Lê? Tuyết Mai được
các dì cho vài cái đĩa cũ, bảo chả dùng đến, có cái bát cũ chỉ để đựng thức ăn
cho mèo thôi. Cũng đang định vất bỏ đi , thay vào cái bát mới cho tơm tất,
nhưng Tuyết Mai xin lại và biếu các dì chút tiền ăn trầu cau. Các dì từ chối,
nhưng Tuyết Mai cứ nằng nặc các dì phải cầm lấy cho cháu vui lòng.
26.7.2019
Lu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét