Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Tôi Cần Phải Lấy Vợ (5)


Truyện kể của Lu Hà phần 5

Con ngựa sắt truy ô xích thố của chúng tôi lại bon bon phi nước kiệu qua phà Chí Chủ và dọc theo con đê chạy tuốt về quê nhà. Chú thím tôi mừng lắm, có hai cháu về chơi. Các em đã lớn đi làm việc xa nhà cả. Riêng có thằng Dị con trai lớn nhất ở nhà, để ôm chân bàn thờ ông bà ông vải thay tôi, nó bảo rằng: Anh cả là người từng trải thật, mấy tháng trước em cứ tưởng anh cưới vợ mà nay lại dẫn một chị mới về làng. Bố mẹ tôi vốn dĩ không ưa Tuyết Mai nên đã điện gấp về quê thông báo cho họ mạc hai bên nội ngoại là không nên tiếp đón gì cả. Chú ruột tôi đã từng là giáo viên dạy văn hóa trương trình bổ túc tương đương với cấp 3 cho các học viên của trường sĩ quan lục quân Sơn Tây là người thông thoáng thức thời không câu nệ tiểu tiết. Nói chuyện với Tuyết Mai chú lại tỏ ra rất tâm đắc. Chú rủ ngày mai đi Yên Lập chơi, tiện cái xe máy đó chở chú đi theo. Tôi thấy dù sao thì chú cũng là đàn ông ngồi mé sau Tuyết Mai hay ngồi ôm lưng tôi đều không tiện, nên chú đành phải lẽo đẽo đạp xe đạp theo sau.


Thì ra chú tôi có bồ bịch, có thím hai ở trong đó nên chú hăm hở rủ cháu đi chơi? Chuyện bí mật của chú thì chỉ có trời biết thì làm sao mà tôi biết được? Chú cháu tôi thăm gia đình nhà bà Trương Hợi là anh em kết nghĩa với ông nội tôi. Ông Trương ngày xưa từng là tay nho sĩ võ lâm vào hàng cao thủ.
Truyện kể ông ôm một bọc tiền từ Yên Lập về Huyện Cẩm Khê để buôn trâu. Khi ông đến nhà tôi thì thấy các tay anh chị cờ bạc đang sát phạt nhau. Chúng nó biết ông có tiền, nó gạ ông vào đánh tổ tôm hay sóc đĩa gì đó. Nhưng ông không đánh, chúng nó trêu chọc nói khích ông, bất tài nhát như thỏ đế, không đáng mặt anh hùng….

Ông tức quá nhảy vào đánh liền, ông giả vờ đi tiểu mới ghé vào nhà bếp dặn chú tôi: Thỉnh ơi cháu mang cái điếu bát vào sòng bạc cho chú, nhớ phết hồ dưới đáy nhé, thỉnh thoảng mang điếu vào bếp thay nước…Thế là ông trổ tài đánh bạc, ông thong thả hút thuốc lào, ông vần cái điếu bát trên chiếu bạc, không hiểu sao đánh bằng cách nào mà chỉ thấy ông thắng mới lạ. Chú tôi lúc đó còn là một đứa trẻ con không biết bao nhiêu tuổi, chú tôi cứ thỉnh thoảng mang điếu vào bếp và gỡ tiền xu dính dưới cái bát. Tiền nhiều vô kể chả mấy chốc được một bọc lớn chú chia cho mẹ một nửa, tức bà nội tôi. Ông Trương quả là một tay cao thủ nghĩa hiệp giang hồ, số tiền thắng bạc ông giao lại tất cả cho bà nội tôi. Ông bảo: Mục đích em ra ngoài này là để tậu trâu, nhưng chúng nó trêu chọc coi thường em, nên em mới ra tay. Em xin biếu chị tất cả để mua thức ăn trong mấy ngày em còn nghỉ tạm nơi đây để đi tìm trâu, em chỉ giữ lấy số vốn đủ tiền mua trâu mà thôi. Ông Trương cũng đọc sách thánh hiền biết tiền cờ bạc là tiền bất nhân, bóc lột của thiên hạ mà có, nên ông cương quyết không giữ lại một xu nào cho riêng mình.

Thành ra ở ngoài ông Trương thắng, trong bếp chú Thỉnh tôi cũng thắng. Cho nên chú tôi rất ngưỡng mộ ông Trương Hợi, khi ông chết còn bà và các cô chú rất quý chú Thỉnh tôi.  Lúc trẻ chú hay dẫn tôi vào chơi, những này tết hội hè thường hay mổ lợn và hai chú cháu tôi được ăn uống bí tỉ thật là vui.

Chú Thả con ông Quản Thả chết vào năm ất dậu, ông Quản là em ruột kế tiếp ông nội tôi. Chú bị bệnh sùi mặt, giống như bệnh phong cùi giai đoạn đầu nhưng không nặng như thi sĩ Hàn Mạc Tử. Ông nội tôi giỏi thật người như chú Thả con gái trong làng đều sợ hết hồn, lảng tránh cả mà ông tôi lại cưới vợ được cho chú ở trong Yên Lập. Hai thằng em tên là Bình và An con chú chẳng bệnh tật chi hết. Hai đứa da dẻ nhẵn nhụi, rất đẹp trai khôi ngô tuấn tú vô cùng. Không biết nó mang gen di truyền từ cụ tổ tiên nào mà cũng tỏ ra rất lanh lợi. Tôi rất thích thằng An, tức là thằng con thứ hai của chú thím Thả. Tôi tặng nó cái mũ mà cái mũ này Tuyết Mai bảo một đồng nghiệp ở viện khoa học xã hội Việt Nam đưa tôi đội cho oai.

Chú Thỉnh tôi bảo thằng An mang dao cạo râu của bố nó ra để chú sửa sang râu ria cho thật chỉnh tề chỉn chu để đi gặp thím hai là người tình trong bóng tối của chú tôi? Chú đưa dao cạo cho tôi, thì Tuyết Mai gạt đi, anh đừng cạo để râu như thế đẹp hơn. Tôi biết thừa Tuyết Mai sợ tôi bị lây nhiễm bệnh phong mà thôi. Nên mới bảo cháu không cạo đang nuôi râu sau này dài ra sẽ tỉa lại.

Thằng An vỗ vào cái hòm lúa nhà nó, tỏ rất tự hào bố mẹ nó rất chăm chỉ làm ruộng. Nhà nó đủ ăn, luôn có đồng ra đồng vào, nuôi hai con lợn béo và gà vịt đầy sân…Tôi rất vui vì chú Thả cũng đã yên bề gia thất. Chú thím và các em có cuộc sống hạnh phúc ở một làng miền núi. Tôi thấy chú thím tôi rất vừa đôi phải lứa. Chú tôi da dẻ sần sùi của người có triệu chứng bệnh phong cùi, còn thím tôi một bên mắt bị lóa coi như mù, con cái thì rất khôi ngô tuấn tú, phải chăng có luật bù trừ, chú thím ít khi cãi cọ nhau gia đình thuận hòa, cả hai người đều chịu ơn nhau, ơn tái tạo của trời đất tác thành cho. Tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến ông bà Vệ Bàn ở xã Khải Xuân thuộc huyện Thanh Ba gần thị xã Phú Thọ. Bà Vệ luôn oán hận ông, chê ông là anh lính bộ đội nghèo rớt mồng tơi. Khi ông lấy bà trong túi không có đồng xu nào dính túi, chi phí đám cưới đình đám cả thành phố Bangkok đều biết tiếng là do tiền của gia đình họ mạc bên Thái Lan. Bà oán hận ông dụ dỗ bà về Việt Nam khi cả hai đã có một đàn con. Thế mới biết giàu có tri thức cao để làm gì mà bà Vệ vẫn còn hận tình sâu sắc như vậy? Chúng tôi là phận con cháu đến chơi bà cứ kể lể mãi về ông? Đúng ra tôi phải gọi là bác trai bác gái nhưng thấy cả hai già quá nên gọi ông bà mà thành ra quen miệng. Chính bố tôi cũng từng khuyên bà: Chị cứ chê bai mãi anh tôi, nhưng tôi thấy anh tôi cũng là bậc anh hùng, phải tài giỏi lắm mới chinh phục được nổi trái tim của chị. Vì tình yêu cao cả lắm thì chị mới nghe theo anh tôi đưa các cháu về Việt Nam. Còn vợ chồng chú Thả tôi quê mùa cục mịch thì lại rất hạnh phúc. Ở đời yêu nhau thì dễ nhưng lấy được nhau mới là khó. Có tiền của, có quyền thế hay môn đăng hộ đối chưa hẳn đã là hạnh phúc. Trong đảng cộng sản hay các tổ chức Mafia chuyện cưới nhau thành vợ thành chồng còn được sự đồng ý của tổ chức hay hội đồng lãnh đạo các bố già đại ca. Vì họ  sợ sự phản bội và yếu lòng khi thi hành nhiệm vụ nên họ kén chọn lai lịch nguồn gốc lắm. Họ thành vợ thành chồng kiểu này thì đâu phải là thật sự có cuộc sống hạnh phúc? Vậy cứ như chú thím Thả tôi hay đơn thuần như anh chàng Chí Phèo và cô thị Nở hai nhân vật nổi tiếng trong tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao lại là những người hạnh phúc nhất ở trên cõi đời này chả cần phải là ông nọ bà kia giàu có gia thế học thức hay đảng viên hội kín làm gì?

28.7.2019 Lu Hà












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét